Có thể nói, nhân tố đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế ấn tượng của vùng lãnh thổ này chính là sự đột phá sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
Tham vọng thành “Thung lũng Silicon châu Á”
Để thúc đẩy sự sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp IoT tại Đài Loan, chính quyền Đài Loan đã đề ra Kế hoạch phát triển Thung lũng Silicon châu Á (Asia Silicon Valley Development Plan - ASVDP). Thông qua đó, kỳ vọng có thể tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho các ngành công nghiệp bản địa bằng cách hợp nhất các thế mạnh sản xuất phần cứng vào lĩnh vực ứng dụng phần mềm.
Tháng 12/2016, Cơ quan phát triển Thung lũng Silicon châu Á (Asia Silicon Valley Development Agency - ASVDA) được thành lập tại thành phố Đào Viên - nơi có vị trí đặc biệt thuận lợi khi nằm giữa 2 khu vực có sự phát triển mạnh của ngành công nghệ cao là Đài Bắc và Tân Trúc. Nói về kế hoạch phát triển đầy tham vọng này, ông Kung Ming-hsin – CEO của ASVDA cho biết: “ASVDP được kỳ vọng sẽ giúp Đài Loan trở thành một trung tâm sáng tạo, kết nối toàn bộ châu Á với Thung lũng Silicon của Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, sự đầu tư vào công nghệ thông tin của Đài Loan sẽ được chuyển thành đầu tư vào IoT, giúp Đài Loan trở thành một hòn đảo thông minh. IoT cũng hứa hẹn tạo ra những cơ hội kinh doanh khổng lồ cho Đài Loan”.
Theo ước tính của McKinsey & Company, đến năm 2025, giá trị kinh tế của ngành IoT toàn cầu có thể đạt từ 2,7 nghìn tỷ đến 6,2 nghìn tỷ USD. “Nếu Đài Loan nắm giữ chỉ 5% thị phần toàn cầu này, chúng tôi sẽ chứng kiến giá trị kinh tế của ngành này lên đến 300 tỷ USD, hay 10 nghìn tỷ đô la Đài Loan”, CEO Kung Ming-hsin nhận định.
Với nhiều sự hỗ trợ từ khu vực công thông qua việc thực thi nhiều chính sách và sáng kiến đa dạng, startup được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài của xã hội Đài Loan. Trên thực tế, các startup, doanh nhân trẻ có ý tưởng đột phá sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ cả của chính phủ lẫn khu vực tư nhân trong mảng tài chính lẫn không gian làm việc.
Chẳng hạn, Taoyuan Youth Commander (TYCommander) là không gian làm việc dành cho doanh nhân và startup (startup hub) đầu tiên được thành lập từ nguồn vốn chính quyền vào năm 2016. Được biết, các công ty công nghệ đột phá tại Đài Loan đang trong quá trình phát triển và đạt được nhiều thành công nhất định trong lĩnh vực công nghệ VR (thực tế ảo), MR (tạm dịch: Thực tế hỗn hợp tăng cường), công nghệ ứng dụng cho xe tự hành, hệ thống đèn giao thông thông minh, thiết bị nhận biết bụi siêu mịn PM 2.5, thiết bị đeo thông minh…
Sự trỗi dậy của ngành y tế, y sinh học
Ngành y tế, y sinh học của Đài Loan những năm gần đây cũng ghi nhiều dấu ấn trên thị trường quốc tế. Theo báo cáo Biopharmaceutical Competitiveness & Investment năm 2017, Đài Loan được công nhận là một trong những thị trường dẫn đầu về đầu tư ngành dược.
Hồi năm 2012, trong bộ phim tài liệu Asia new vision: Taiwan’s medical miracle (tạm dịch: Tầm nhìn mới ở châu Á: Phép lạ y tế Đài Loan), kênh National Geographic Channel đã nhấn mạnh đến các tiến bộ trong lĩnh vực y tế của Đài Loan. Theo đó, có 14 bệnh viện Đài Loan lọt vào danh sách 200 bệnh viện tốt nhất thế giới, chỉ xếp sau Mỹ và Đức. Nghĩa là, chất lượng bệnh viện ở Đài Loan xếp thứ ba thế giới và đứng đầu châu Á.
Năm 2016, y sinh học được xem là một trong 7 lĩnh vực kinh tế trụ cột mà Đài Loan muốn tập trung phát triển (bên cạnh IoT, năng lượng xanh, máy móc thông minh, quốc phòng, nông nghiệp mới và kinh tế tuần hoàn) để thay đổi hoàn toàn bộ mặt công nghiệp Đài Loan. Nhờ đó, chương trình đột phá công nghệ y sinh học (Biomedical Industry Innovation Program) đã được triển khai với tầm nhìn biến Đài Loan thành một trung tâm y sinh học ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu của chương trình này là thúc đẩy ngành công nghiệp y sinh học, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, củng cố lĩnh vực chăm sóc sức khỏe công và phát triển phúc lợi xã hội ở Đài Loan.
Máy bọc đế giày tự động cho khách tham quan trụ sở công ty Medigen Vaccine Biologics Corporation (MVC) – nhà sản xuất vắc-xin dựa trên tế bào đầu tiên và duy nhất tại Đài Loan
Vùng lãnh thổ này có hẳn một “hành lang kết nối” ngành y sinh học từ Bắc chí Nam, đó là: Công viên nghiên cứu y sinh học Đài Loan (National Biotechnology Research Park) chuyên nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới, lĩnh vực thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số; Công viên khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park) chuyên về trang thiết bị y sinh học, lĩnh vực sinh vật học; Trung tâm Khu công nghiệp Khoa học Đài Loan (Central Taiwan Science Park) chuyên về sản xuất thuốc, thiết bị y tế; Khu công nghiệp khoa học Nam Đài Loan (Southern Taiwan Science Park) chuyên về các loại thuốc, lĩnh vực cấy ghép, dụng cụ phẫu thuật…
“Thế giới vẫn đang trong những giai đoạn đầu của thế kỷ công nghệ sinh học, và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang mang đến những tiềm năng tuyệt vời nhất cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, những thập kỷ tới. Các công ty và viện nghiên cứu Đài Loan luôn tìm kiếm các đối tác quốc tế có cùng mối quan tâm mở rộng cơ hội do ngành thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe và công nghệ sinh học châu Á mang lại”, CEO Fong-Chin Su của Biomedical Industry Innovation Program cho biết.
Hiện đại hóa nông nghiệp
Với khoảng 24% tổng diện tích đất đai được dùng để canh tác, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Đài Loan quan tâm phát triển hàng đầu. Và các tiến bộ về máy móc nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ nông nghiệp, giúp tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả canh tác cho nông dân Đài Loan.
Tự động hóa nông nghiệp cũng giải quyết được "bài toán" độ tuổi lao động trong ngành nông nghiệp đang khá cao tại Đài Loan nói riêng và trên thế giới nói chung. Theo The Wild East Magazine, độ tuổi trung bình của nông dân Đài Loan là 62, với 31% nông dân trên 65 tuổi. Do đó, chính quyền Đài Loan cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến khích người trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện tại, “thành phố thông minh” Đào Viên – nơi sản xuất hoa và cây trồng lớn nhất Đài Loan, là nơi cung cấp nông sản chính cho miền Bắc Đài Loan - đang tổ chức Hội chợ nông nghiệp Đào Viên 2018 (từ ngày 4/4 – 13/5) trong khuôn viên khoảng 30ha, nhằm quảng bá cho xu hướng sống xanh và công nghệ thông minh. Hội chợ được chia thành nhiều khu vực trưng bày với những chủ đề khác nhau, như Môi trường bền vững, Công nghệ thông minh, Nghệ thuật sáng tạo văn hóa, Các ngành nghề đặc trưng của địa phương…
Nổi bật trong số đó là khu vực giới thiệu các thành tựu máy móc nông nghiệp sáng tạo (Innovative Agricultural Machinery Pavilion) – nơi tập hợp các thành tựu nghiên cứu và phát triển máy móc nông nghiệp của Đài Loan trong những năm gần đây. Có tổng cộng 62 thành tựu máy móc trong các lĩnh vực rau củ quả, cây ăn trái, ngũ cốc, nhà kính… từ các viện nghiên cứu nông nghiệp lẫn các công ty tư nhân được trưng bày tại đây.
Nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp, các trường đại học và ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất máy móc, Đài Loan đã ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế về chất lượng của các loại máy móc nông nghiệp như máy xới, máy cắt, máy phun hạt, máy sấy ngũ cốc, thiết bị kiểm soát môi trường nhà kính…
Sau hơn 60 năm tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp, nhiều loại máy móc nông nghiệp của Đài Loan đã được xuất khẩu đến hơn 40 nước và được đánh giá cao về chất lượng và giá thành hợp lý. Hiện ngành công nghiệp máy móc làm nông của Đài Loan đã và đang chuyển dần sang hướng xuất khẩu, hướng đến thị trường mục tiêu là các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đại lục và nhiều nước khác.
Sưu tầm