Thời gian qua, Công ty cổ phần nhân lực quốc tế ICOManpower, trụ sở chính tại 179 Thôn Phố, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang tiếp nhận nhiều trường hợp bị lừa đảo trên mạng xã hội về chương trình xuất khẩu lao động Hàn Quốc, với phương thức thủ đoạn giống nhau.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để đăng quảng cáo tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc. Khi người lao động quan tâm thì các đối tượng này đã dùng địa chỉ, hợp đồng, con dấu giả mạo ICOManpower để tư vấn, tạo lòng tin và yêu cầu người lao động đặt cọc tiền. Sau khi người lao động chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, ngay lập tức các đối tượng xóa nhóm và cắt đứt liên lạc.
Thông tin giả mạo các đối tượng xấu dùng để chiếm đoạt tài sản của người lao động
Thông tin được cung cấp từ các nạn nhân, đối tượng giả mạo tư vấn có zalo tên là Nguyễn Đức Duy và Trần Tuấn, người mạo danh đại diện trong thông báo thỏa thuận với lao động có tên là Lê Huyền Trang hoặc Nguyễn Thu Huyền. Nhiều lao động sau khi đăng ký và chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo xong mới phát hiện mình bị lừa, ngay lập tức họ tìm đến các kênh thông tin chính thức của ICOGroup để xác minh.
Kể từ khi trường hợp đầu tiên bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản được tố giác từ giữa tháng 5/2023, đến nay đã có hàng chục nạn nhân phản ánh tới đường dây nóng của ICOGroup với tổng số tiền bị lừa trên 130 triệu đồng.
Tin nhắn "ra điều kiện" của đối tượng lừa đảo có tài khoản Zalo Nguyễn Đức Duy với người bị hại
Đại diện bộ phận pháp chế Tập đoàn ICOGroup và đơn vi thành viên - ICOManpower khẳng định không triển khai bất kỳ hình thức tuyển dụng lao động Hàn Quốc nào có thu phí "đặt cọc, giữ suất". ICOGroup khuyến cáo khách hàng tìm hiểu kỹ quy trình tuyển dụng lao động và các chương trình dịch vụ của tập đoàn thông qua các kênh thông tin chính thống để tránh bị lừa gạt.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như bảo vệ uy tín của tập đoàn, bộ phận pháp chế ICOGroup đã phối hợp với các nạn nhân, nhanh chóng tiếp nhận thông tin, hướng dẫn khai báo, trình đơn tố cáo hành vi giả mạo, lừa đảo của các đối tượng này đến công an các địa phương để ngăn chặn, điều tra xử lý. ICOGroup sẽ hỗ trợ phối hợp cung cấp thông tin, các thủ tục pháp lý theo yêu cầu từ cơ quan điều tra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người lao động có thể cung cấp ngay thông tin cho cơ quan công an nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn, tuyệt đối không vội vàng thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng trên mạng xã hội. Người lao động có thể liên hệ trực tiếp qua số hotline: 0968 005 688 của Tập đoàn ICOGroup để xác minh.
Căn cứ theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo điểm a Khoản 1, Điều 101 của Nghị định này, "Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3, điều 4 nghị định 15/2020/NĐ-CP). Trường hợp cấu thành tội phạm của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |